Sunday, May 4, 2014

Capital in the 21 Centery

Bây giờ mới có chút thời gian lướt qua cuốn "Thủ đô trong Thế kỷ 21" (*), ít nhất qua bài điểm sách của anh Xê Nho Nvp và Mục lục cuốn sách trên Amazon.
Sách quả là đang hot, vì mình định đặt mua nhưng đã hết hàng. Hơn nữa, phiên bản mềm giá cũng gần như phiên bản sách bìa cứng, chứng tỏ quần chúng đang đặt ầm ầm bản mềm. Mình thì vẫn theo lối của bọn hủ nho, thích đọc sách giấy, mà lại bìa cứng thì càng phấn khởi. Pha ấm trà đọc bên cửa sổ. Haizzz... Lớp trẻ thường mắng mình như thế là phá hoại môi trường...
Trở lại cuốn Thủ đô, mặc dù đây không phải sách quy hoạch đô thị trong thế kỷ XXI, và nhiều người người so sánh nó với cuốn Thủ đô của Marx. Mình cho rằng như thế là hơi vội vã. Ta không bàn về Marx ở đây, mà chỉ bàn về cuốn của Piketty. Vì chưa đọc đầy đủ cuốn sách, mà mới chỉ xem mục lục. Nhưng mình thấy cuốn sách này chỉ nói về khuynh hướng bất bình đẳng của nhân loại. Ý tưởng chính, khá đơn sơ, là vì thu nhập của tư bản thì ổn định theo thời gian, nên tư bản càng ngày càng tích lũy nhiều hơn. Còn lao động thì thu nhập thất thường, có khuynh hướng càng ngày càng nghèo đi. Nên cuối cùng, thì tư bản sẽ hấp thu toàn bộ tài sản và thu nhập của nhân loại.
Kiểu phân tích này, xem ra giống David Ricardo hơn là Karl Marx. Có điều, trước đây Ricardo đã lo sợ người hấp thu toàn bộ thu nhập là giai cấp địa chủ, vì họ sở hữu nguồn tài nguyên cố định. Trong khi tư bản cũng như lao động thì có thể được sinh ra đều đặn. Lập luận của Ricardo vẽ ra một bức tranh thê lương về xã hội tư bản, mà chính các nhà tư bản là nạn nhân, vì họ bị các đại địa chủ bóp nặn đến túng kiết thông qua tăng địa tô lên mãi.
Điều này có lẽ đã dẫn Ricardo đến việc tậu một điền trang rất lớn ở Anh và trở thành một đại địa chủ, chứ không giữ tài sản dưới dạng chứng khoán, dù ông là một tay đại gia trong ngành chứng khoán.  Thêm nữa, sau Ricardo, một nhà cải cách xã hội nhiệt thành ở Mỹ vào cuối thế kỷ XIX, là Henry George, đã đi rất xa, cổ vũ việc tịch thu ruộng đất của địa chủ, thu hết về tay nhà nước. Hoặc chí ít, cũng đánh thuế đất thật cao để bọn đó hết đường tiến thoái.
Tuy nhiên, nỗi lo sợ của David Ricardo đã không thành hiện thực. Và chương trình của Henry George không bao giờ đi vào thực tế ở các nước văn minh. Biến thể của nó có thể đã nằm trong các cuộc cách mạng ruộng đất ở châu Á, nơi mà họ đã học được từ chủ nghĩa Marx và tiến xa hơn nhiều (tịch thu cả tư bản).
Piketty xem ra không khác Henry George là mấy khi đề xuất đánh thuế tư bản. Và điều ấy thể hiện tác giả đã không nhìn thấy toàn cục sự vận động và tiến hóa của lịch sử chúng ta.
Hai "quy luật" mà anh Nguyễn Vạn Phú có tóm tắt trong bài điểm sách của anh, mình không biết có đúng là "tinh túy" của tác phẩm hay không. Nếu đúng như vậy thì mình thấy một cảm giác nghi ngờ nhẹ chất lượng của cuốn sách này. Bởi vì đó là những hiện tượng tương đối "tầm thường" trong khoa học kinh tế. Chúng ta cần một cái gì đó sâu sắc hơn.
Nhưng dù thế nào cũng sẽ chờ đợi đọc toàn văn cuốn sách này thì mới bình luận kỹ được. Chứ chỉ đọc qua lời bình của Mankiw, Solow thôi thì chưa ăn thua. Bởi vì lớp vỏ bọc bên ngoài bao giờ cũng chỉ là những lời hoa mĩ để không làm tổn hại nhau, cùng đưa nhau lên trong thị trường sách. Đó cũng là nguyên tắc trong industry này. Còn đằng sau những lời tán dương vội vã đó, thì còn phải chờ phản hồi thực sự từ giới hàn lâm.
TS Nguyễn Đức Thành
 (*) Thủ đô trong thế kỷ 21: là "bản quyền" của TTXVN cho tiêu đề cuốn sách của Thomas Piketty.


0 comments:

Post a Comment