Wednesday, June 1, 2016

Chiến lược dụ học Mỹ


Du học Mỹ không dành cho mọi người. Nếu bạn trẻ hài lòng với cuộc sống ở Việt Nam, không có lý do gì cày cục mọi giá để đi du học. Vì du học là vất vả, là tốn kém, và nhiều khi phải trả giá cả một cuộc đời nếu đi sai hướng.

Tuy nhiên, nếu bạn có hoài bão, có đam mê, thậm chí chỉ là người tò mò hơn mức bình thường, không có lý do gì bạn không đi Du học Mỹ. 

Mỹ có gì mà lạ? Toàn dân "phi chính thống" lang bạt tứ xứ từ châu Âu châu Phi, vậy mà qua vài trăm năm thành lập đã đứng đầu bảng thế giới về GDP và khoa học công nghệ.

Cái ông Albert Einstein gốc Do Thái nước Đức chả thèm xài thế mà ông ấy lại làm đình làm đám ở nước Mỹ. 

Nhà văn, nhà triết học Ayn Rand từ giã Nga để chọn Mỹ, yêu Mỹ như nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tại đây bà đã cho ra những tác phẩm bất hủ The Fountainhead (đã dịch ra tiếng Việt dưới tên Suối Nguồn), Atlas Shrugged (Atlas ở ẩn), và khai sinh ra Triết học Objectivism (tạm dịch Chủ nghĩa Khách quan) đứng đầu về giá trị lô-gic, tổng quát và tôn vinh con người hơn hết mọi thứ trên thế giới này.

Ai mà không mê mẩn Espresso, Capuccino và pizza Ý. Thế nhưng những anh tài giúp thương mại hoá toàn cầu đặc sản Ý lại là những Starbuck, Pizza Hut đến từ Mỹ. 

Mấu chốt làm nên thế giới phẳng ngày nay chính là internet, và sáng chế này cũng lại ra đời từ Mỹ.

Mỹ có gì mà lạ? 

Sao Anh có nền giáo dục hàn lâm hầm hố hơn mà lại sinh ra những Bill Gates làm nên Windows, Steve Jobs làm nên iPhone, iPod, iPad, Macbook. Sao Google (ông chủ người gốc Nga), rồi Facebook (chủ người gốc Nga) cũng lại ra đời từ Mỹ chứ không phải Anh, Úc, Nga hay càng không phải từ Singapore? Dù chả yêu Mỹ, bạn cứ thử một ngày sống không có những thứ này xem. Ai mà không phát cuồng phát dại hơn cả thất tình???

Mỹ còn lạ hơn ở chỗ dù được mệnh danh là quốc gia thực tế (hay thực dụng) nhất, đây lại là nơi đi đầu về phong trào thiện nguyện. Trong số 30 quỹ từ thiện lớn nhất thế giới, Mỹ đã chiếm tới 20 quỹ http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_wealthiest_charitable_foundations. 

Mỹ lạ nhỉ. Và cái lạ lớn nhất là gì các bạn trẻ có nhận thấy từ bài viết này không? "Không cần biết em là ai, không cần biết em từ đâu...", nước Mỹ không đánh giá nguồn gốc thân phận của bạn. Ở Mỹ, rào cản duy nhất chính là bộ não và trí tưởng tượng của chính bạn.

Nếu đọc đến đây bạn đã thấy Mỹ "hay hay", thì Du học Mỹ là điều bạn nên làm. 

Quay lại chủ đề của bài viết, bạn cần có chiến lược gì? Đơn giản thôi, chỉ là vấn đề chuẩn bị cho bộ não. Nghe bộ não cao siêu nhỉ. Thực ra bạn chỉ cần biết tưởng tượng, và "mơ màng" một chút. Vậy thì quá dễ đúng không?

Lời kết của chúng tôi ở đây là Du học Mỹ dành cho mọi người. Chỉ cần bạn muốn, bạn có thể làm được, và làm theo cách của bạn. 

BẮT ĐẦU TỪ BÊN TRONG

 

Kỳ trước chúng tôi đã kết bằng một câu "Chỉ cần bạn muốn Du học Mỹ, bạn có thể làm được, và làm theo cách của bạn". Đây chính là chiến lược số 1 mà bạn cần làm. Tự vấn chính bản thân mình.

Hãy trả lời mấy câu hỏi đơn giản sau đây.

-       Bạn học cho ai nhỉ? Cho bạn.

-       Bạn học để làm gì nhỉ? Để bạn có đủ kiến thức xây nền cho tương lai tốt đẹp hơn. Hoặc để bạn đeo đuổi đam mê ấp ủ từ lâu.

-       Ai là người tiếp thu những kiến thức khi bạn đi du học? Là bạn.

Bạn là trung tâm của vấn đề, là nguyên do và cũng là mục tiêu sau cùng của du học Mỹ. Vậy thì đương nhiên bạn phải bắt đầu từ chính mình rổi.

Có bạn sẽ nói tôi đi du học vì bạn bè tôi đi và tụi nó thành đạt. Tôi đi du học vì nhà tôi có tiền, bố mẹ sẵn sàng đầu tư. Nên nhớ những lý do này chỉ đóng vai trò khơi nguồn cảm hứng chứ không quyết định cho sự thành công của con đường du học.

Tự vấn bao gồm những công đoạn nào:

1.     Tìm hiểu xem đam mê thực sự của mình là gì. Cần lưu ý đam mê phải gắn với năng lực. Nếu bạn đang đam mê một thứ, và giỏi một thứ khác, rất có thể bạn đam mê chưa đúng, hoặc đầu tư chưa đủ. Khi nào đam mê và năng lực hoà làm một, đó mới thực sự là đam mê mà bạn nên theo đuổi lâu dài.

2.     Bay bổng chút, hãy tự tưởng tượng với đam mê đó, sau này bạn sẽ làm nghề gì. Đừng bó buộc nghề mơ ước của bạn vào những nghề nghiệp mà bạn chỉ thấy ở xung quanh. Bạn có thể nói chuyện với người lớn, nói chuyện với chuyên gia, tìm hiểu trên mạng để biết có những nghề nào trên thế giới. Việt Nam còn đang ở giai đoạn phát triển sơ khởi, nên nhiều nghề tồn tại trên thế giới ở Việt Nam vẫn chưa có khái niệm. Hơn nữa, thế giới ngày nay phát triển không ngừng, nên chẳng có giới hạn nào cho nghề bạn mơ ước cả. Cứ thoả sức mơ!

3.     Tiếp đó, tìm hiểu để thoả đam mê, ước mơ đó, bạn cần theo học ngành gì? Có thể bạn không quen với công đoạn này, nhất là khi ở Việt Nam vẫn ở tình trạng nước chảy bèo trôi, cứ học rồi tính tiếp. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Theo CreatingMinds, sức sáng tạo của não bộ đã đạt được 80% khi chúng ta lên 5, và thông thường sẽ suy thoái khi bước vào tuổi 40. Chính vì thế, nếu bạn định hình được con đường của mình càng sớm, bạn sẽ càng có nhiều cơ hội tập trung hết sức mạnh của não bộ để phát triển nghề nghiệp. Bạn sợ chọn sai khi chưa đủ kinh nghiệm? Hãy tham vấn gia đình, người lớn tuổi thành đạt, các chuyên gia. Nếu một vài năm sau bạn thấy mình thực ra đam mê ở lĩnh vực khác? Càng tốt. Như vậy bạn đã sống hết mình và đã tìm đến niềm đam mê đích thực, cơ hội thành công của bạn sẽ càng cao hơn.

4.     Sau khi xác định được ngành học rồi (dù chỉ là tạm thời), hoặc xác định rằng bạn cần phải trải nghiệm nhiều hơn nữa để biết đâu là đam mê thực sự của mình, lúc đó bạn mới nên chuyển đến khâu Chọn Trường. Chúng tôi sẽ phân tích chiến lược chọn trường ở một kỳ riêng sau này.

Còn sau đâu, chúng tôi muốn quay trở về bước trước nữa, đó là làm sao bậc phụ huynh có thể tạo nền tảng cho con cái trong khi nền giáo dục Việt Nam vẫn đang rối bời.

Bắt đầu từ bên trong còn có nghĩa giáo dục bắt đầu từ gia đình

Chúng tôi chưa đi sâu và phân tích việc chuẩn bị hồ sơ tốt cho trẻ lúc này, mà muốn dành thời gian cho những điểm mà mọi người thường nghĩ không liên quan mấy đến du học Mỹ.

Bình tĩnh & Tự tin

Điều đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới là các phụ huynh cần Bình tĩnh và Tự tin. Nhìn lại lịch sử có bao nhiêu vĩ nhân có bố mẹ là vĩ nhân? Nhiều vĩ nhân thậm chí không đi theo truyền thống gia đình mà vẫn đạt được những thành tựu xuất chúng. Chuyện giáo dục của nhà trường còn nhiều trăn trở cũng không phải là điều đáng ngại. Chỉ cần phụ huynh có tâm, chúng ta đều có cách.

Chắc hẳn chúng ta ai cũng khâm phục bà mẹ đơn thân Hải Âu đưa con gái Minh Khuê được vào Harvard. Điểm mấu chốt Harvard nhận Minh Khuê, điều khiến cho luật sư phỏng vấn cháu phải sẵn sàng quên giờ giấc và nhiệt tình viết một bản tường trình kỹ lưỡng nhất từ trước tới giờ về một học sinh Việt Nam xin học Harvard không phải là kết quả học tập sáng ngời. Học sinh Việt Nam đi thi quốc tế ầm ầm, đạt giải này nọ nhưng Harvard lại không dành nhiều ưu ái bằng cô bé nhẹ nhàng Minh Khuê. Chị Hải Âu đã rất thành công trong việc truyền tải rất nhiều triết lý sống thông qua những thông điệp nhẹ nhàng, kho tàng ca dao tục ngữ, thơ văn của dân tộc. Chính điều này khiến luật sư kỳ cựu nhiều kinh nghiệm sống tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn với một cô bé nhỏ tuổi. Triết lý sống là xương sống của cuộc sống, là kim chỉ nam khi mỗi một con người gặp phải trở lại cần tìm ra con đường đúng đắn. Nó cũng là sức mạnh để con người vượt qua cám dỗ, đưa tài năng của mình phục vụ những mục đích tốt đẹp của cuộc sống. Với những trường của Mỹ, đây là điểm mấu chốt làm nên sự khác biệt của một ứng viên. Chính vì thế, trong hồ sơ xin học thường các trường đặt câu hỏi: Đâu là khó khăn lớn nhất của bạn, bạn đã làm gì? Hãy kể về một trải nghiệm làm thay đổi cuộc sống của bạn? v.v.

Quay trở lại quan điểm Bình tĩnh và Tự tin. Dẫn chứng trên của chúng tôi muốn chứng minh luận điểm rằng, hầu hết các bậc cha mẹ của Việt Nam đều có năng lực để giáo dục con cái một cách tốt nhất, cho dù trường lớp làm chưa tới. Xin các vị cũng đừng ngại về chuyện mình kém tiếng Anh. Khả năng tư duy không phụ thuộc vào khả năng ngôn ngữ. Nếu trẻ được bồi đắp kiến thức, rèn rũa khả năng tư duy từ nhỏ, thông suốt trong tiếng Việt thì khi học tiếng Anh trẻ sẽ biết trình bày quan điểm tốt. Còn một trẻ giỏi tiếng Anh nhưng không có nền kiến thức, không có khả năng tư duy thì cũng chỉ như nước sơn đẹp bọc ngoài tấm gỗ mục.

Tư duy lô-gic

Điểm thứ hai chúng tôi muốn chia sẻ ở đây là các phụ huynh cần rèn cho trẻ thói quen Tư duy lô-gic. Với bậc cha mẹ có kiến thức hàn lâm, thì việc rèn rũa sẽ tiện lợi hơn. Tuy nhiên việc này cũng có thể bắt đầu từ những chuyện thông thường, và diễn ra hàng ngày. Khi trẻ kể câu chuyện gì, hãy giúp trẻ kể chuyện gãy gọn, có đầu có cuối, và bài học rút ra từ câu chuyện đó là gì. Khi trẻ đưa ra một quan điểm lạ, càng nên khuyến khích, tuy nhiên hãy hỏi thật nhiều câu hỏi Vì sao, để bắt trẻ phải lập luận, chứng minh cho quan điểm của mình. Thế hệ ngày xưa coi chuyện quan điểm khác lạ là "nổi loạn, không nghe lời". Tuy nhiên ngày nay chúng ta cần nhìn KHÁC. Các quý vị có thấy vĩ nhân nào đóng góp to lớn cho loài người mà không bắt đầu từ quan điểm khác lạ. Nếu chỉ như sống cũ chúng ta chẳng khác gì loài vẹt. Còn chuyện của trẻ, đừng vội phán xét trẻ đúng hay sai. Thậm chí chúng ta nhiều khi cũng chưa đủ kiến thức để khẳng định đúng sai trong quan điểm của trẻ. Điều quan trọng là tạo điều kiện cho trẻ tư duy, lập luận, chứng minh quan điểm. Đây là nền tảng cho sự thành công trong học thuật cũng như thành công trong cuộc sống sau này của trẻ.

Đừng ngại cho trẻ va vấp

Thất bại là mẹ của thành công. Trẻ càng va vấp, thất bại từ nhỏ sẽ biết vượt qua thất bại để chuẩn bị tốt hơn cho những thành công lớn hơn sau này. Nhiều khi cha mẹ có thể tạo môi trường giả, cho trẻ thử sức ở những mảng mà trẻ yếu hoặc sợ. Khi trẻ vấp ngã, hãy cùng trẻ phân tích nguyên do, tìm giải pháp để giúp sẽ không bị vướng trong những lần sau này. Mọi thiên tài, vĩ nhân đều bắt nguồn từ hàng trăm hàng ngàn hàng triệu thất bại. Điểm khác biệt của người thành công và người không thành công là khi thất bại người thành công tiếp tục nỗ lực, còn người không thành công thì bỏ cuộc. Càng được rèn luyện sớm, càng được rèn luyện nhiều thì khả năng vượt qua thất bại của trẻ càng tốt, trẻ càng có nền tảng vững chắc hơn cho hạnh phúc sau này. 

Chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình

Đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm, hoặc vờ không biết là mình mắc lỗi là những sai phạm cực kỳ lớn trong xã hội Mỹ, và trường học rất dị ứng với những chuyện này. Xã hội Mỹ không kỳ vọng ai cũng phải toàn mỹ, nhưng khi mắc lỗi, làm sai, làm chưa đúng, người trong cuộc phải tự đứng lên nhận trách nhiệm và tìm cách xử lý, chứ không được chạy vòng quanh lẩn tránh.

Để rèn cho trẻ phẩm chất này, cha mẹ không nên phạt khi trẻ mắc lỗi, mà cần khuyến khích trẻ tự nhận lỗi và đưa ra giải pháp xử lý. Khi trẻ làm được vậy, nên có phần thưởng xứng đáng cho trẻ. Có một cách làm hay của cha mẹ Mỹ là khi yêu cầu trẻ làm gì, họ sẽ đưa ra nhiều lựa chọn, sau đó phân tích hậu quả của từng lựa chọn. Cha mẹ Mỹ không áp đặt trẻ theo ý mình, cũng không trừng phạt trẻ nếu trẻ làm không được, họ chỉ trừng phạt khi trẻ dối lừa, lấp liếm sai phạm. 

Có một số trường trong hồ sơ xin học hoặc khi phỏng vấn sẽ thẩm tra phẩm chất này của ứng viên. Nhưng nếu họ không thẩm tra khi tuyển sinh, sau này trong quá trình học tập họ sẽ rèn rũa rất nhiều. Đây cũng là nền tảng tương tác của xã hội Mỹ. Nếu trẻ Việt Nam chưa được chuẩn bị từ sớm, khi sang sẽ bị va vấp và có thể gặp phải cú sốc văn hoá nặng nề.

Các lò luyện giúp phần nhiều cho kỳ thi chuẩn hoá, chuyên nghiệp hoá bộ hồ sơ xin học, chứ không phải là chìa khoá giúp trẻ không có tố chất mà có thể thành công. Tất nhiên với các bậc cha mẹ có điều kiện, việc cho con tiếp cận sớm với mô hình giáo dục Mỹ, làm quen với quy trình tuyển sinh sẽ giúp trẻ và gia đình chuẩn bị tốt hơn cho du học. Nhưng cái khó không bó cái khôn. Cha mẹ nào cũng có thể chuẩn bị hành trang du học Mỹ cho con từ rất sớm, từ những chuyện tưởng nhỏ, và ngay cả khi cha mẹ không biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi.


Chiến lược Tiền Du Dọc - 11 kỹ thuật giúp trẻ phát huy tiềm năng
(Theo cuốn Excellent 11 của nhà giáo/tác giả nổi tiếng Ron Clark)


Tài năng không tự nhiên sinh ra. Chúng ta không thể chọn giáo dục trẻ một cách tối giản, tiết kiệm thời gian và mong đợi con cái mình sẽ thành người, thành tài. Điều đó không có nghĩa chúng ta phải dành toàn bộ quỹ thời gian mình có cho con cái. Làm đúng, làm đủ, và làm một cách vui vẻ giống như đang tận hưởng niềm vui sống với con cái là cách mà Ron Clark đúc kết sau nhiều năm trực tiếp nuôi dưỡng đam mê cho trẻ.

1. Nhiệt huyết. 
Trẻ học bắt đầu từ đâu? Từ người lớn. Từ tiếng nói đến điệu bộ, và lớn lên chút, cả cách phân tích lập luận, trẻ em đều học từ người lớn. Chính vì thế, giáo viên và cha mẹ cần tạo cảm hứng, khuyến khích trẻ học hỏi, phấn đấu, gặt hái được những thành quả tốt nhất trẻ có thể vươn tới.

Ron đưa ra một số ví dụ về chuyện cha mẹ phàn nàn phải mệt mỏi làm bài tập ở nhà cùng con. Nếu cha mẹ thấy khó chịu, cằn nhằn thì đương nhiên những cảm xúc này sẽ lan sang trẻ. Hãy biến buổi làm bài tập thành một trải nghiệm vui vẻ, là khoảng thời gian để cha mẹ và con cái vui đùa với nhau, biến những khái niệm, định nghĩa buồn tẻ thành những so sánh ngộ nghĩnh, hài hước thì tự nhiên trẻ sẽ thích thú, cảm thụ kiến thức nhanh và sâu.

Một điểm quan trọng nữa là cha mẹ, giáo viên càng cần phải khích lệ những trẻ ít hứng thú trong chuyện học hành. Đừng bao giờ chê bai, dè bỉu trẻ, hãy luôn khen ngợi trẻ, cho trẻ biết rằng trẻ rất tài năng và làm tốt hơn kết quả hiện tại.

2. Kỳ thú.
Với bản tính tò mò, yêu thích những bất ngờ, giáo viên và cha mẹ cần tạo cho trẻ môi trường học luôn luôn kỳ thú. Với kiến thức trong sách vở, ở trường học, cần biến những gì buồn chán thành những câu chuyện ly kỳ háp dẫn. Trẻ cũng có thể học ở mọi lúc mọi nơi. Khi đi chơi ở công viên, vườn bách thú, khi quanh quẩn bên bếp nấu ăn với cha mẹ. Thông tin, kiến thức cần dạy trẻ có ở mọi nơi. Điều tuyệt vời hơn, với những trải nghiệm kỳ thú, trẻ được học tập một cách trực quan, thậm chí bằng tất cả những giác quan của trẻ, nên việc tiếp thu sẽ sâu sắc hơn hết.

Một điểm quan trọng nữa, cũng xuất phát từ việc học hỏi từ người lớn, là trẻ cũng muốn làm người lớn, muốn khẳng định bản thân với gia đình, cộng đồng xung quanh. Khi trẻ được tự do khám phá bản thân qua những trải nghiệm kỳ thú, trẻ được tự ra quyết định, được thử nghiệm làm người lớn và rút ra những bài học đáng quý cho bản thân.

3. Sáng tạo.
Sáng tạo ở đây không có nghĩa là sáng tạo nghệ thuật, mà có nghĩa là lối suy nghĩ, hành động "khác biệt". Đây là bản tính của trẻ, tuy nhiên mỗi trẻ lại bộc lộ một cách khác nhau. Giáo viên và cha mẹ cần gần gũi theo dõi hành động của trẻ để khám phá khả năng sáng tạo. Khi thấy trẻ có biểu hiện thì cần nắm bắt kịp thời cơ hội giúp trẻ phát huy khả năng này. 

Ở lứa tuổi con non nớt, chúng ta không thể đòi hòi trẻ tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt, vì thế nếu kế hoạch dạy dỗ trẻ cần phải thay đổi để phù hợp với những "khoảnh khắc dạy dỗ" thì cũng không nên lấy làm khó chịu. Giáo viên, cha mẹ cần linh động, có khả năng "biến hoá" để trẻ hấp thụ kiến thức một cách tự nhiên. Nói một cách khác, nếu muốn trẻ tư duy đột phá, bản thân người giúp trẻ cũng phải đột phá trong phương pháp giảng dạy.

4. Nhìn lại bản thân.
Học không chỉ từ những điều mới lạ, học bao gồm cả học từ những sai lầm, thất bại đã trải qua. Ron gợi ý những cách làm đơn giản như cho trẻ làm một bài tập ở đầu năm, sau đó cuối năm lại cho làm lại bài tập đó, chúng ta có thể đánh giá sự tiến bộ của trẻ một cách dễ dàng.

Những cách hay khác là cho trẻ viết, ở bất cứ dạng gì. Khi viết trẻ sẽ bộc lộ được khá nhiều kiến thức, kỹ năng. Việc viết cũng khiến trẻ phải suy nghĩ sâu sắc, cẩn thận hơn trong từng chi tiết. Khi trẻ tiến bộ, bài viết sẽ hiện lên một cách rõ nét.

Trẻ có thể viết báo, viết luận về bất cứ vấn đề gì. Cũng có thể viết về những kiến thức, kỹ năng mà trẻ muốn học được trong năm học mới. Sau đó đến cuối năm học, trẻ sẽ đọc lại bài viết của mình, so sánh những gì mình mong đợi và những gì gặt hái được từ thực tế. Đây cũng là kỹ thuật giúp trẻ dần dần đứng vững trên đôi chân của mình.

5. Cân bằng.
Cân bằng ở đây thể hiện ở loại hình kiến thức giáo dục cho trẻ, môi trường học tập, và sự cân bằng hài hoà giữa kỷ luật và tình thương. Nếu thiên về một số loại kiến thức nhất định, trẻ sẽ phát triển lệch lạc. Nếu học tập hoàn toàn ngoài trời, qua những hoạt động kỳ thú, trẻ sẽ khó học khi phải ngồi với bài vở chính quy.

Nếu quá thương yêu nuông chiều trẻ, trẻ sẽ chỉ biết làm theo ý mình, không có kỷ luật, không có trách nhiệm với bản thân. Ron nhấn mạnh việc phải nghiêm khắc, theo sát trẻ để đảm bảo trẻ tự chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình. Điều đó không có nghĩa giáo viên cha mẹ phải dùng "thiết quân luật" mà cần truyền tải yêu cầu mạch lạc, rõ ràng, nhất quán và theo dõi từ đầu đến cuối để đảm bảo trẻ làm đúng như những gì trẻ đã cam kết.

6. Lòng trắc ẩn.
Người lớn là tấm gương cho trẻ. Nếu người lớn dèm pha, ghen ghét, đố kỵ với gia đình, bạn bè, trẻ sẽ học rất nhanh thói quen xấu đó. Nếu giáo viên cha mẹ thể hiện tình yêu thương, đối xử hoà nhã, bao dung với cộng đồng trẻ cũng sẽ lấy đó làm ba-rem để học hỏi.

Khi phát hiện ra trẻ có xung đột, hiềm khích, đánh nhau với bạn bè, người lớn không nên để trẻ tự giải quyết mà cần giúp trẻ tìm hiểu ngọn nguồn xung khắc, giúp trẻ hoà giải theo biện pháp hoà bình.

7. Tự tin.
Ron cho rằng 50% nỗ lực dạy dỗ trẻ cần dành cho việc dạy trẻ tự tin vào bản thân. Giáo viên cha mẹ cần là người cổ vũ khích lệ trẻ tin vào năng lực của chính mình. Tuy nhiên điều này chưa đủ, không có sự tin nào không đến từ quá trình chuẩn bị chu đáo.

Chuẩn bị là chìa khoá cho thành công, là mấu chốt giúp xây dựng sự tự tin cho trẻ. Trước khi viết một bài luận, diễn thuyết một đề tài, tham dự một kỳ thi, trẻ cũng như chúng ta, tất cả đều phải chuẩn bị. Chuẩn bị bằng việc soạn thảo thông tin, bằng việc sắp xếp kiến thức theo đúng trình tự lô-gic của khán giản, của bài thi, chuẩn bị về mặt tâm lý, về những lời thuyết trình, về cách đối đáp, về những công cụ giao tiếp phi ngôn ngữ… Cây ra trái sau nhiều năm chăm bón, người thành tài sau nhiều năm rèn rũa. Một nhiệm vụ muốn thành công cũng phải được chuẩn bị một cách chu đáo. Khi đã chuẩn bị chu đáo, trẻ sẽ tự tin, và cùng với sự cổ vũ khích lệ của người lớn, trẻ sẽ biến những điều không thể thành có thể.

8. Hài hước.
Các cụ đã có câu "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Ron cũng sử dụng tiếng cười rất thành công trong nghề sư phạm. Khi trẻ được cười vui, tinh thần trẻ sẽ vui vẻ, trẻ sẽ mở lòng, sẵn sàng đón nhận thông tin, sẵn sàng chia sẻ hơn khi ở trong trại thái buồn tẻ. Tuy nhiên, trẻ và người lớn có những cảm thụ hài hước riêng, nên người lớn cần hiểu điều gì làm cho trẻ cười và đùa vui theo "ngôn ngữ của trẻ".

Một điều quan trọng nữa là khi nói chuyện hài hước, không nên lôi người khác ra làm trò cười vì cách này có thể khiến phá vỡ "Lòng trắc ẩn" mà trẻ cần có.

9. Diễn đạt cụ thể.
Sự khác biệt thế hệ khiến cho cái người lớn nói nhiều khi không phải là cái trẻ hiểu. Ron khuyên người lớn nên diễn đạt kỳ vọng với trẻ càng cụ thể càng tốt, và cần đảm bảo trẻ hiểu đúng những kỳ vọng đó. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy khi học sinh không hiểu yêu cầu ôn tập để làm bài kiểm tra tốt. Ông đã thay đổi yêu cầu bằng cách liệt kê cụ thể những việc học sinh cần làm khi ôn bài, kết quả là điểm thi của học sinh cao hơn hẳn.

- Tạo thẻ nhớ từ
- Đọc phần tóm tắt của từng chương
- Chú ý phần biểu đồ, hình ảnh và chú thích ảnh
- Ghi lại những phần thông tin in đậm
- Đọc lại phần ghi chép bài giảng trên lớp
- Ôn lại tất cả những bài tập của từng chương
- Nhớ ôn bài vào buổi sáng
- Có giấc ngủ sâu
- Không ngại ngùng nhờ giúp đỡ.

10. Biết cảm ơn.
Cha mẹ cảm ơn giáo viên đã giúp dạy dỗ con mình. Giáo viên cảm ơn cha mẹ vì đã cộng tác giúp dạy dỗ trẻ. Giáo viên và cha mẹ dạy trẻ biết bày tỏ lòng biết ơn với những người đã giúp đỡ mình, dù là việc lớn hay nhỏ. Lời cảm ơn thể hiện qua lời nói chân tình, qua tấm thiệp đơn giản viết lời cảm ơn, hay qua một món quà nhỏ do trẻ tự làm. Cảm ơn giúp trẻ hiểu được giá trị những tấm lòng hào hiệp, giúp trẻ gắn bó hơn với những người giúp trẻ và cũng là kỹ năng sống quan trọng để sau này trẻ thành người, thành tài.

11. Vững tâm.
Ron mở đầu chương cuối cuốn sách của ông bằng đoạn sau: "Trên thế gian này không có công việc nào tuyệt vời hơi dạy dỗ trẻ. Thật không may đây cũng là công việc gian nan nhất. Là cha mẹ, giáo viên, chúng ta cần ghi nhớ rằng khi đối mặt với khó khăn, chúng ta càng phải mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện đến cùng những gì chúng ta thấy cần thiết cho trẻ, với một tinh thần lạc quan, sự thấu hiểu và tình yêu vô bờ".

Chẳng có thành quả nào tự dưng mà có, và cũng chẳng có nỗ lực nào lại không mang lại kết quả xứng đáng.

Kết thúc cuốn sách, Ron thêm rằng ĐAM MÊ không nằm trong danh mục 11 kỹ thuật dạy dỗ trẻ, vì đó là kỹ thuật quan trọng nhất, xuyên suốt và hiện diện ở tất cả những kỹ thuật khác. Những gì được làm với đam mê cháy bỏng bao giờ cũng mang kết kết quả tốt đẹp, với trẻ và với cả cha mẹ, giáo viên.

Bí mật apply vào trung học, đại học Top của Mỹ

Khi apply vào trung học và đại học Mỹ, thường học sinh, phụ huynh nằm ở 2 thái cực: 1) Hoặc phải vào bằng được, 2) Hoặc cho rằng đây là những trường quá xa tầm với.

MIT - Cái nôi đào tạo nhân tài Khoa học - Công nghệ


Lời khuyên của USPASSS là học sinh cứ thoải mái apply, nhưng đừng chỉ apply vào khối Top, và bước chuẩn bị nên kéo dài từ 3-4 năm trước. Dưới đây là những lý do.

1) Chỉ có những trường Top mới có nguồn tài chính dồi dào để chúng ta nghĩ đến 100% Financial Aid (hay ở Việt Nam hay gọi là học bổng).
Những trường trung học, đại học hàng đầu của Mỹ đào tạo ra rất nhiều những con người ưu tú. Sau khi thành đạt, họ trở lại đóng góp cho trường. Ví dụ điển hình mới đây là trường hợp tỉ phú bất động sản Hong Kong Gerald Chan đã hiến tặng 350 triệu đô cho Trường ĐH Y tế Cộng đồng thuộc ĐH Harvard. Những nhà hảo tâm lớn của Mỹ cũng nhắm vào những trường lớn, có thành tích giảng dạy xuất sắc để hiến tặng tài sản. Lý do là bởi vì khi làm bất cứ cái gì, những nhà đầu tư xuất sắc của Mỹ cũng luôn nghĩ đến "Hiệu quả tối ưu" cho đồng tiền mình bỏ ra.

Đến đây có thể một số bạn tự hỏi: Vậy sao trường Mỹ lại "dở hơi", "khùng" đến độ mang tiền chi cho học sinh quốc tế?
Nói đến Mỹ, đừng bao giờ nghĩ đến "cho không". Trường Mỹ nhìn xa trông rộng, họ không bao giờ làm gì không có mục đích. Chúng ta có thể thấy dân Mỹ giờ đây đi khắp thế giới để đầu tư. Họ không xâm chiếm, nhưng họ đang làm "thủ lĩnh" ở rất nhiều quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Với mục đích thấu hiểu văn hoá toàn cầu từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, các trường Mỹ vươn rộng ra, tuyển sinh những học sinh ưu tú nhất trên thế giới, vừa để khơi mở "giáo trình văn hoá không chính thống" (tức học sinh, sinh viên tự dạy và truyền bá ảnh hưởng lẫn nhau), vừa để giúp thúc đẩy học sinh Mỹ phấn đấu hơn khi những sinh viên ở những nước nghèo hơn đến Mỹ với những quyết tâm vô bờ bến. Vì lý do này, các trường Top của Mỹ sẵn sàng bỏ tiền ra để chiêu mộ nhân tài quốc tế. 

Vậy Việt Nam có thuộc nhóm những nước có nhiều nhân tài quốc tế mà trường Mỹ săn đuổi? Có và Không? 
Chúng ta vẫn hay rỉ tai nhau về quota (hạn mức) tuyển sinh từ mỗi nước. Nếu hỏi thẳng trường Mỹ, họ sẽ không bao giờ trả lời là có, vì đó là một trong những bí mật luôn được giữ kín. Tuy nhiên, hội đồng tuyển sinh ở những trường Top của Mỹ hiện vẫn đang ưu ái cho học sinh, sinh viên Việt Nam vì những lý do sau:
- Học sinh, sinh viên Việt Nam ở các trường Mỹ hiện vẫn chưa đông.
- Mặt bằng giáo dục ở Việt Nam vẫn còn thấp (đây là lúc chúng ta thấy được "lợi thế" của nền giáo dục còn yếu kém của Việt Nam)
- Thu nhập ở Việt Nam còn thấp
- Các bậc cha mẹ ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều người giao bang rộng rãi. (Đây là mục trường rút ra từ điểm thông tin cha mẹ làm nghề gì. Nhiều người lầm tưởng rằng cha mẹ làm càng to càng tốt, vì trường Mỹ nghĩ đến chuyện con giòng cháu giống. Thực ra ngoại trừ việc những bậc cha mẹ này có tiềm năng đóng góp nhiều triệu đô cho trường, còn lại cha mẹ có nghề nghiệp, chức vụ càng khiêm tốn lại càng có lợi. Trường Mỹ rất đề cao những học sinh, sinh viên là Thế hệ đầu tiên vào đại học)
Đó là những cái "Có" khiến hồ sơ từ Việt Nam được quan tâm. Còn cái "Không" là ở chỗ, nếu hồ sơ không "xuất sắc" thì chẳng có lý do gì họ phải tuyển dụng học sinh, sinh viên này.

Một bí mật nữa mà chúng ta ít khi biết, là liệu Hỗ trợ Tài chính có độc lập với Quyết định Tuyển sinh hay không?
Cũng như trên câu trả lời sẽ là Có và Không. Chính sách Need-blind của trường Mỹ cũng là một công cụ marketing thông minh của các trường. Với khả năng tài chính dồi dào, không trường nào muốn phải giảng dạy những học sinh, sinh viên chậm tiến, không có đóng góp gì cho nhà trường. Vì thế họ giới thiệu chính sách này để chiêu mộ những cá nhân ưu tú nhất. Tuy nhiên, tất cả những trường hàng đầu của Mỹ đều thuộc khối tư nhân, họ kinh doanh giáo dục chứ không phải làm từ thiện qua giáo dục, nên họ luôn có những chính sách thông minh.

Đó là lý do tại sao hiện nay học sinh, sinh viên Hàn Quốc, Trung Quốc phải chi trả từ 10,000-20,000$ cho dịch vụ tư vấn du học mà vẫn phải đóng toàn bộ học phí, rất hiếm hoi trường hợp nào nhận được một chút hỗ trợ tài chính. Trong thời gian này, Việt Nam vẫn còn đang được ưu tiên, nhưng một vài năm nữa khi lượng học sinh, sinh viên Việt Nam qua Mỹ đông hơn, mức thu nhập của Việt Nam cao hơn, khả năng tìm kiếm hỗ trợ tài chính sẽ bị giảm mạnh.

2) Thế mạnh cá nhân
Ở Việt Nam, đặc biệt gần đây, luôn hiện diện những lời xì xào chuyện bạn này bình thường, học hành có gì đâu mà lại được trường Top Mỹ nhận cấp học bổng cao thế. Mặc dù hơi đi lạc đề, nhưng chúng tôi thiết nghĩ, thay vì mất thời gian chê bai, gièm pha nhau, hãy cùng tập trung phát triển thế mạnh của bản thân, hay của con cái bạn. Chúng ta hay dùng từ "Xã hội" để nói về sự đa dạng trong một cộng đồng. Đây chính là khái niệm mà mỗi trường Mỹ áp dụng. Họ tuyển sinh quốc tế để đạt tới sự đa dạng cho cộng đồng sinh viên, và khi tuyển sinh, bao giờ họ cũng so sánh ứng viên đó với môi trường học tập sinh sống trong vài năm qua. Một ứng viên chơi đàn giỏi mà điểm số học tập vẫn cao hàng năm hẳn sẽ dược đánh giá cao hơn các bạn cùng lớp chỉ biết học, điểm có cao hơn một chút nhưng chẳng tham gia hoạt động gì, chỉ là mọt sách, chẳng tác động được gì tích cực đến cộng đồng xung quanh. 

Mỗi người sinh ra đều có một thế mạnh riêng, nếu chưa có, mỗi chúng ta đều có thể rèn luyện nếu "biết người, biết ta". Có một nhân vật trong giới showbiz mà chúng tôi muốn lấy làm ví dụ điển hình, đó là ca sĩ Trần Thu Hà. Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung đã từng nói Hà không có tương lai, không thể bằng Thanh Lam, Mỹ Linh (cùng lứa) ở dòng pop, Hà cũng không thể đi vào dòng nhạc thính phòng. Thế nhưng bằng sự thông minh và sự kiên trì rèn luyện, Hà đã được công chúng thừa nhận và coi là một trong những Diva của Việt Nam. 

Không có gì là không thể, nếu chúng ta "Muốn" và "Biết". Và để "Biết" mỗi người có thể học hỏi, và cũng có thể tham vấn những chuyên gia trong ngành có tâm huyết. Một khi đã chứng minh được thế mạnh cá nhân, và lại trúng với điều các trường Top đang tìm kiếm, không có lý do gì hồ sơ của chúng ta bị gạt sang một bên.

3) Tại sao cần chuẩn bị sớm?
Trên thực tế với một số học sinh xuất sắc của Việt Nam đã phát triển khá đúng hướng với những gì các trường Top của Mỹ đang tìm kiếm, thời gian chuẩn bị không cần quá dài. Tuy nhiên, do sự khác biệt về hệ thống giáo dục, phương pháp phát triển mỗi cá nhân, chỉ tiêu đánh giá, nên cần có bước chuẩn bị dài để mỗi học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nhất cho hành trình du học Mỹ.

Một hồ sơ du học thường bao gồm:
- Bảng điểm (3 năm gần đây), chiếm tỉ trọng 60% quyết định tuyển sinh
- Thư giới thiệu của giáo viên những bộ môn chính (Toán, Ngôn ngữ, tiếng Anh, bộ môn chuyên ngành), thư giới thiệu của những chuyên gia đầu ngành biết rõ về ứng viên, thư giới thiệu của lãnh đạo hoạt động cộng đồng, hoặc thư giới thiệu của sếp quản lý trực tiếp nếu ứng viên đi làm thêm, hoặc đi làm chính thức
- Thành tích học tập: bằng khen, giải thưởng (càng lớn càng tốt)
- Hoạt động thể thao, hoạt động ngoại khoá, kinh nghiệm làm việc (học sinh đi làm thêm khi còn đi học rất được đánh giá cao)
- Điểm thi các kỳ thi chuẩn hoá, SSAT, ISEE, TOEFL, SAT, ACT. Với hồ sơ vào đại học Top, còn cần thêm 2 môn SAT II và càng nhiều AP càng tốt. (Hầu hết các bạn đều chưa biết AP có thể học online và thi ở Việt Nam, các bạn sẽ có thể dùng điểm số AP này để làm hồ sơ ngang với học sinh ở Mỹ.)
- Bài luận, có thể kèm theo hàng loạt câu trả lời ngắn trong hồ sơ tuyển sinh nữa, cũng không kém gai góc so với bài luận.
- Phỏng vấn. 

Nhìn vào những yêu cầu trên, hầu hết học sinh, sinh viên Việt Nam chỉ có sự chuẩn bị về phần Bảng điểm, còn lại tất cả những thứ khác đều còn yếu kém. Ngay cả về bảng điểm, cũng rất ít ứng viên hiểu rõ như thế nào là bảng điểm tốt. Theo thang điểm của Mỹ, điểm A mới là tốt. Theo thang điểm Việt Nam, nếu để tương đương điểm A, thường phải đạt trên 9 điểm. Nếu thấp hơn, các trường Mỹ sẽ xem xét đến việc ứng viên đứng thứ hạng bao nhiêu trong khoá của mình. Chính vì thế, để có chiến lược chuẩn bị du học trong dài hạn, học sinh, sinh viên cần nhắm môi trường mình học trước khi qua Mỹ, để làm sao có được điểm số cao và thứ hạng cao trong toàn khối.

Thư giới thiệu là phần khá khó khăn với các bạn Việt Nam. Bạn thì không có quan hệ tốt với thày cô, bạn thì không biết phải viết cái gì, có bạn thì lại viết quá, đi vào những thông tin không cần thiết. Luôn ghi nhớ rằng trường Mỹ luôn đánh giá cao sự trung thực và chi tiết. Nếu bạn không gây ấn tượng tốt với thày cô trong lớp học qua nhiều năm, không có đóng góp gì cho lớp của mình, không phát biểu, không có tiến bộ gì, thì thật khó để kỳ vọng thày cô viết thư giới thiệu tốt. Các bạn có thể "liều lĩnh" viết sẵn và nhờ thày cô ký, tuy nhiên đây là một việc rất nguy hiểm. Những năm gần đây, khi nhận thấy một số hồ sơ bất thường, trường Mỹ đã liên lạc với người giới thiệu để thẩm định ứng viên. Vì thế mỗi học sinh sinh viên cần trung thực, học tập phấn đấu thực sự, đừng bao giờ cố tạo nên những giá trị hão huyền cho bản thân.

Bằng khen, giải thưởng cũng giống như việc xếp thứ hạng trong khối. Phần này giúp trường Mỹ hiểu bạn vươn lên như thế nào. Tuy nhiên nếu bạn không xuất sắc về học thuật, bạn vẫn có thể phát huy ở mục thể thao, hoạt động ngoại khoá. Như trên đã nói, mỗi bạn chắc chắn tiềm ẩn một khả năng đặc biệt, nếu chưa có bạn cũng có thể phát triển. Hãy đi theo tiếng gọi của đam mê từ trái tim mình, hãy làm hết mình, thậm chí đừng nghĩ đến đây là việc chỉ phục vụ việc du học, mà hãy làm giống như việc bạn phải sống như vậy, bạn phải thở hàng ngày hàng phút để sống và ghi dấu trong cuộc đời mình, dù chỉ là những dấu ấn nhỏ nhoi. Khi bạn làm việc gì đó bằng sự nhiệt tình của con tim, bằng sự thông minh của khối óc, bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng, chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.

Điểm thi ở các kỳ thi chuẩn hoá. Đây là lúc câu ngạn ngữ Hay làm quen tay, hay Practice makes Perfect thực sự có hiệu quả. Hãy bắt đầu sớm, luyện, luyện nữa, luyện mãi, các bạn sẽ đạt được kết quả mong đợi. Kiến thức ở những kỳ thi chuẩn hoá rất đơn giản so với kiến thức bạn học ở trường, tuy nhiên được diễn đạt theo ngôn ngữ kiểu "đánh bẫy" nên cách bạn cần dấn thân vào những cái "bẫy" này, hiểu chúng và vô hiệu hoá chúng.

Một số nơi "bùa" học sinh sinh viên rằng bài luận và phỏng vấn có thể "make or break" cơ hội của bạn. Sự thực là bảng điểm vẫn chiếm đến 60% quyết định tuyển sinh. Tuy nhiên, bài luận và buổi phỏng vấn là nơi bạn "tạo dấu ấn cá nhân", là thời điểm để cán bộ tuyển sinh "quyết định" bạn được nhận ngay, hay phải chờ đợi, và nếu họ quá "yêu" bạn qua bài luận và phỏng vấn, khả năng họ gây ảnh hưởng tới bộ phận ra quyết định hỗ trợ tài chính cũng lớn hơn và có lợi cho bạn hơn.

Bài viết này mới chỉ là một góc nhỏ trong quá trình chuẩn bị và apply đầy cam go. Thật khó ư. Tất nhiên là khó nếu bạn không bao giờ muốn đi du học Mỹ. Còn nếu bạn muốn chinh phục Mỹ, một powerhouse về giáo dục trên thế giới, thì quá trình này là bước đệm hiệu quả để bạn trưởng thành hơn và thành công nhiều hơn trên đất Mỹ.

Viết Essay – hay là việc soi gương viết Nhật ký

Ở bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến danh mục những thông tin, tài liệu cần có trong bộ hồ sơ xin học, trong đó có nói rõ Essay không phải là phần quan trọng nhất. Nói không quan trọng nhất, là khi xét về tổng thể toàn bộ hồ sơ, nhưng nếu nhìn từ góc độ các bước trong quá trình thẩm định ứng viên, thì Essay lại vô cùng quan trọng.

Một triết lý được sắp đặt ở vị trí đặc biệt tại Tufts University. Từng câu chữ trong essay của bạn cũng cần phải được "sắp đặt" có chủ ý như vậy.


Điểm trung bình học tập, thư giới thiệu, điểm thi chuẩn hoá, các hoạt động ngoại khoá đều quan trọng. Nhưng nếu các ứng viên ngang tài ngang sức ở những điểm trên, Essay sẽ đóng vai trò quyết định ứng viên có được phỏng vấn hay không, thậm chí có được nhận học hay không.

Essay khác gì so với những thông tin khác trong bộ hồ sơ? Có thể ví Essay là phần mềm, còn các thông tin các là phần cứng. Hay các thông tin khác là các bộ phận của cơ thể, còn Essay là phần "tâm hồn". Một con người không thể thật sự là con người trọn vẹn nếu thiếu đi phần tâm hồn. Tâm hồn càng phong phú, con người đó càng lôi cuốn, thú vị.

Đến đây, chắc các bạn đã hình dung phần nào vai trò của việc phác hoạ tâm hồn của mình cho các nhà tuyển sinh. Nếu Essay của bạn là sự liệt kê các sự kiện, lặp lại thông tin đã có trong các phần khác của bộ hồ sơ, bạn sẽ chẳng khác gì người bị tật nói lắp, hay một cái máy chỉ có phần cứng không có phần mềm.

Nếu bạn nhồi nhét hết tất cả những thông tin vào một bài Essay, hòng khoe càng nhiều càng tốt, bài Essay sẽ khiến bạn hiện lên như là một mớ bòng bong, hỗn tạp, không có trật tự, không có sợi chỉ đỏ xuyên suốt.

Hãy thử bằng cách này nhé. Viết Essay như viết nhật ký. Khi viết nhật ký, bạn chỉ viết về duy nhất một câu chuyện, hoặc một số sự kiện đáng nhớ trong ngày. Đó là sự kiện khiến bạn lay động con tim, khiến bạn khóc ròng nhiều ngày trời, hay khiến bạn vui sướng đến nhạt nhoà nước mắt. Bạn viết là để ghi lại sự kiện đáng nhớ này, vì nó thấm sâu vào tận tâm khảm của bạn, mang lại cho bạn một thế giới quan hoàn toàn khác, giúp bạn khám phá ra một điều mới lạ từ một sự kiện tưởng chừng vu vơ, v.v.

Đến đây, bạn sẽ thấy viết Essay nhẹ nhàng như thế nào. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đọc kỹ yêu cầu của trường, suy nghĩ về yêu cầu đó nhiều ngày, liệt kê ra những câu chuyện, đề tài bạn muốn viết. Nhưng khi bắt tay vào viết, mọi thứ sẽ rất tự nhiên, nhẹ nhàng, vì bạn chỉ viết nhật ký thôi mà. Hãy viết về một chuyện thôi, và cứ để cảm xúc tuôn chảy một cách tự nhiên, bạn sẽ đạt được sự sâu sắc, mặn mà, giàu triết lý sống vì bạn đang viết từ đáy lòng, bằng cả con tim của mình. Đây chính là cái mà các trường đang tìm kiếm ở bạn, phần "Hồn" của bộ hồ sơ xin học.

Chúng tôi cũng muốn đưa cụm từ "Soi gương" vào quá trình viết Essay của bạn, vì cũng giống như khi viết nhật ký, bạn phải hồi tưởng lại chuyện đã xảy ra, chắt lọc lại những gì có ý nghĩa nhất, ghi lại những gì sâu sắc nhất, để sau này đọc lại bạn biết rằng "À mình giống như ngày hôm nay là vì ngày hôm qua mình đã được "khai sáng" như vậy đó".

Nếu Essay – Nhật ký, chạm được vào tận cùng trái tim của bạn, khiến bạn sởn gai ốc, khiến bạn không cầm được nước mắt, khiến bạn phải hét toáng lên "Ôi sao mình lại sâu sắc đến thế này!", đó là khi bạn đã thành công trong việc phác hoạ tâm hồn phong phú của mình trên trang giấy chỉ có hai màu trắng đen.

Đừng bao giờ để cảm giác run sợ, ngán ngẩm hiện diện khi bạn viết Essay. Vì đây không phải chỉ là việc bạn phải làm cho đủ yêu cầu xin học, viết Essay là một trải nghiệm tuyệt vời giúp bạn nhìn lại bản thân, suy ngẫm về những trải nghiệm đã qua, về những gì mình muốn làm trong tương lai sắp tới. Nhiều khi sự hối hả của cuộc sống, của những kỳ thi khiến bạn dửng dưng với những gì xảy đến với mình, nhưng khi ngồi viết Essay, bạn sẽ có thời gian, không gian để soi và ngẫm, để chiêm nghiệm ra nhiều triết lý sống, hành trang giúp bạn làm nên những thay đổi lớn trong cuộc đời sau này. Bạn cũng không nên lười viết, không nên để nước đến chân mới nhảy. Suy ngẫm về triết lý sống đòi hòi một quá trình dài, đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc bản thân mình, nên hãy bắt đầu càng sớm càng tốt. Nếu bạn chưa có một bài Essay tốt, quá trình suy ngẫm cũng giúp cho bạn trưởng thành hơn, hỗ trợ bạn làm tốt hơn trong bài Essay mà bạn chọn sau cùng.

Khi Essay – Nhật ký của bạn đã hiện lên toàn bộ trên trang giấy, đây là lúc bạn phải quan tâm đến phần khung / phần cứng, hay còn gọi là hình thức của bài Essay. Đó chính là việc trau truốt cho phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Tại sao chúng tôi không đề cập đến phần này trước hết, mà lại để bạn viết cho thoải mái rồi mới quay lại phần này? Như trên đã nói, Essay phải là phần "Hồn" của bạn, phần "Hồn" này là nơi chứa đầy cảm xúc, là phần cốt lõi của Nhật ký – Essay của bạn, cái chỉ có được khi bạn "VIẾT THẬT 100%" với bản thân mình, nói theo tiếng Anh là phần NAKED TRUTH ABOUT YOURSELF, và khi bạn không bị vướng bận bởi những thứ bên ngoài. Nếu bạn quá bận tâm đến hình thức, phần trang điểm bề ngoài ngay từ đầu, bạn sẽ rất dễ bị sao nhãng, đi sâu vào những trang sức loè loẹt, uốn éo thừa thãi hơn là nội dung câu chuyện sâu sắc khi bạn phải giao tiếp với một người hiểu sâu biết rộng.

Dù là hình thức, bạn cũng phải soi tự đáy lòng để hiểu "Thói quen, Tâm lý" của con người. Hãy thử đặt mình vào địa vị của người khác. Bạn đọc như thế nào khi bạn chỉ có 3-5 phút cho 1-2 trang giấy? Đọc lướt đúng không? Ánh mắt của bạn sẽ tập trung vào đâu khi bạn đọc lướt? Vào dòng đầu tiên của bài viết, vào những dòng đầu của những đoạn ở giữa (có thể bỏ qua một số đoạn), vào phần kết của bài viết. Bạn cũng sẽ thích đọc lướt ở những đoạn ngắn hơn là đoạn dài. Khi đã hiểu được nguyên tắc này, bạn sẽ biết cách chỉnh trang cho hình thức bài Essay của mình.

Hãy bắt đầu ngắn, ấn tượng, đừng ngại phá vỡ quy tắc ngữ pháp nếu cần. Một tiếng nổ đinh tai trong đêm thanh vắng khiến ai ai cũng phải thức dậy. Một màu đỏ chói loà trên nền tranh đen trắng sẽ khiến mọi ánh mắt đổ dồn vào đó. Hãy làm như vậy cho phần mở đầu bài Essay của bạn. Đâu là cái người ta thường nghĩ, thường làm, hãy làm điều hoàn toàn ngược lại, hoặc làm cho nó khác thường [một cách trí tuệ]. Tuy nhiên, nên nhớ rằng dù có lạ, có ấn tượng đến mấy, thì phần mở đầu cũng phải là một phần của bài Essay, là sự gợi mở gây tò mò để cán bộ tuyển sinh đọc tiếp phần thân bài dài dòng ở phía dưới.

Trong phần thân bài, bạn hãy đánh giá một cách khách quan, đọc đi đọc lại nhiều lần, nhiều ngày, xem câu chuyện của mình có liền mạch, có "THẬT", có ý nghĩa chưa? Cần phải bổ sung chi tiết gì, lược bỏ chi tiết gì? Hãy làm đi làm lại nhiều lần, và ghi nhớ rằng đây không phải là việc làm thừa thãi, mất thời gian. Ngoài việc giúp bạn vào trường bạn mơ ước, quá trình viết và suy ngẫm có thể làm thay đổi thế giới quan và cuộc đời của bạn sau này.

Cũng giống như viết Nhật ký, bạn viết cho mai sau, để khi đọc lại bạn hiểu rằng mình đã có một bước ngoặt như thế. Phần kết của Essay phải đưa ra được một triết lý sống đắt giá. Từ một câu chuyện tưởng như vụn vặt, một sự kiện tưởng như chuyện thường ngày ở huyện, bạn đã phát hiện ra chân lý gì, trau dồi cho mình triết lý nào, và từ đây bạn sẽ sống, học tập, làm việc như thế nào. Lưu ý đừng đi vào ngõ cụt khi hứa hẹn này nọ kiểu như bạn vẫn làm thời trẻ con ở Việt Nam. Trường Mỹ cần tuyển mộ những người trưởng thành, chín chắn, những người có thể đứng vững trên đôi chân của mình ngay cả ở những giai đoạn khó khăn nhất, những người hiểu rằng mình đang và sẽ sống cho mình chứ không phải cho kỳ vọng của một ai khác, kể cả của trường, chính vì thế nội dung và hình thức của phần kết phải thể hiện được bạn là người như vậy. Bạn cũng đừng nên rút ra triết lý dạy đời. Trường Mỹ cần hiểu về bạn, chỉ bạn mà thôi, và cán bộ tuyển sinh là những người hiểu biết và từng trải hơn bạn rất nhiều, đừng sa đà vào việc dạy họ hay dạy đời.

Tóm lại kỹ thuật viết Essay, ứng viên có thể tập trung vào những gạch đầu dòng dưới đây:
- Bắt đầu càng sớm càng tốt, nửa năm thậm chí là một năm nếu có thể
- Đọc kỹ yêu cầu của trường
- Liệt kê những trải nghiệm liên quan của mình
- Chọn một câu chuyện sống động nhất, câu chuyện mà bạn muốn viết trong nhật ký (không có câu chuyện, đề tài nào là cliché, nếu tận sâu đáy lòng bạn muốn viết về điều đó)
- "Soi gương" bản thân và viết Nhật ký – Essay
- Để cảm xúc tuôn chảy tự nhiên, liền mạch
- [Đảm bảo bạn là nhân vật chính trong bài Essay]
- [Đảm bảo bạn đang viết NAKED TRUTH của mình]. Essay cần viết về cái đã qua, cái bạn đã học được, chứ không phải là cái bạn muốn trong tương lai. Viết sai sẽ khiến trường hiểu sai về bạn, và dù có được nhận, con đường đi đến tương lai của bạn cũng sẽ không bằng phẳng, thậm chí có thể bị trệch hướng hoàn toàn
- Hãy đào sâu, đào sâu hơn nữa. Câu chuyện What không quan trọng bằng diễn biến của câu chuyện How, cũng như suy ngẫm của bạn, bài học mà bạn rút ra Why
- Quay trở lại gọt giũa hình thức bài Essay. Ở phần này bạn cũng có thể tiếp tục với kỹ thuật What, How, Why ở trên
- Đọc đi đọc lại bài Essay. Nghỉ 1 ngày, 1 tuần, thậm chí 1 tháng rồi lại đọc lại và chỉnh sửa, về cả nội dung, hình thức, câu chữ, ngữ pháp
- Nhờ 2-3 người hiểu rõ về mình đọc và nhận xét. Lưu ý không nên để họ can thiệp quá sâu vào bài viết. Những gì họ nhận xét, gợi ý cần phải đúng với câu chuyện của bạn, nếu không cần báo cho họ biết và chỉ tiếp nhận những thông tin hợp lý
- Bạn là người viết và cũng là người đọc cuối cùng trước khi nhấn nút gửi bài Essay đi.
Chúc các ứng viên thành công!


(Theo USPASSS)






0 comments:

Post a Comment